Khi lưu thông trên đường, bạn sẽ bắt gặp các biển chỉ vẽ đầu ô tô. Đây chính là biển báo chỉ làn đường dành cho mọi loại ô tô. Nếu trên biển báo là hình ô tô quay ngang là làn đường chỉ dành cho xe con.
Tại các cung đường phân làn có biển báo quy định riêng nhiều người vẫn chưa nắm rõ được luật nên vẫn mắc phải những lỗi vi phạm đáng tiếc. Cụ thể, có những biển cùng là biển báo làn đường dành cho ôtô nhưng hình trên biển lúc chỉ có đầu xe, khi lại hình xe quay ngang thì tài xế phải đi thế nào?
Hãy cùng Học Thi Lái Xe tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Biển phân làn ô tô
Biển phân làn trên đường Ngô Quyền, Đà Nẵng
Cùng là biển báo làn đường dành cho ô tô, nhưng hình trên biển lại có những quy định riêng mà nhiều tài xế lái xe không nắm rõ luật nên khá lúng túng khi tham gia giao thông.
Trong trường hợp này, quy tắc chung để các tài xế có thể dễ dàng nắm bắt là nếu gặp biển báo chỉ có hình đầu xe, có nghĩa đây là làn đường dành cho "mọi loại ôtô", trong khi đó nếu trên biển là hình xe quay ngang thì đây đích thị là làn đường "dành riêng cho một loại ô tô" theo hình dáng được mô tả trên biển.
Thí dụ trong trường hợp trên tại Đà Nẵng, hai làn bên trái dành cho mọi loại ôtô, trong khi làn bên phải chỉ dành riêng cho ô tô con. Như vậy, chúng ta có thể thấy chiếc xe đầu kéo phía xa đang đi sai làn đường quy định.
Các quy tắc cụ thể
Quy tắc cụ thể về các loại biển phân làn ô tô được quy định trong Quy chuẩn 41/2019 như sau:
Nhóm các biển phân loại làn đường
Nhóm các biển dùng để phân loại làn đường theo phương tiện được ký hiệu là nhóm R.412. Trong đó, tùy từng loại phương tiện sẽ có những hình vẽ tương ứng. Loại biển R.412f là làn đường dành cho những loại ô tô (bao gồm cả xe con, xe buýt, xe tải, xe đầu kéo...).
Những biển còn lại dành cho các loại phương tiện cụ thể như sau:
R.412a: Làn đường dành cho ô tô khách (kể cả xe buýt). Trong trường hợp cần phân làn các loại xe khách theo số chỗ ngồi thì ghi số chỗ ngồi cho phép của xe khách lên thân xe trong hình vẽ của biển.
R.412b: Làn đường dành riêng cho ô tô con.
R.412c: Làn đường dành cho ô tô tải. Trong trường hợp cần phân làn các loại xe tải được phân theo khối lượng chuyên chở cho phép thì ghi trị số khối lượng chuyên chở cho phép của xe tải lên thân xe trong hình vẽ của biển.
R.412d: Làn đường dành riêng cho xe máy: làn đường dành riêng cho xe máy và xe gắn máy (xe dưới 50 phân khối).
R.412e: Làn đường dành cho xe buýt, nếu vạch sơn phân làn dành cho xe buýt có dạng nét đứt, các xe khác có thể đi vào làn xe này nhưng phải ưu tiên cho xe buýt (phải nhường đường, chuyển sang làn khác để không ảnh hưởng đến việc vận hành của xe buýt); trường hợp vạch sơn phân làn dành cho xe buýt là nét liền, các phương tiện khác không được đi vào làn đường dành cho xe buýt.
R.412g: Làn đường dành cho xe máy và xe đạp.
R.412h: Làn đường dành cho xe đạp (kể cả xe thô sơ).
Nếu một làn đường có thể cho phép nhiều loại phương tiện cùng chạy vào thì áp dụng biển gộp như biển phía trên, có nghĩa là làn đường dành cho xe con và xe buýt.
Về quy cách đặt biển, các biển trong nhóm R.412 được đặt phía trên làn xe, ở đầu đường theo chiều xe chạy. Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này (trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định).
Khi đến gần đoạn đường bộ giao nhau hoặc ra, vào, dừng, đỗ bên đường, người lái xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn. Việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định. Căn cứ vào các vạch sơn thực tế trên đường để thực hiện việc chuyển làn cho phù hợp giữa các làn được phép lưu thông theo đúng quy định.
Nếu vi phạm đi sai làn, mức xử phạt được quy định tại Nghị định 100/2019 cụ thể như sau: phạt tài xế ô tô 3-5 triệu đồng, phạt người điều khiển xe máy 400.000-600.000 đồng. Đồng thời, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng với tài xế ô tô.
Người điều khiển phương tiện ô tô cần nắm các quy tắc phân làn để tránh những lỗi sai phạm không đáng có. Học Thi Lái Xe hy vọng rằng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn!
NGUỒN: VNEXPRESS