Nhằm giúp bà con dân tộc thiểu số có đầy đủ kiến thức khi tham gia giao thông, sở GTVT tỉnh Quảng Nam ban những bộ giáo án được biên soạn đào tạo riêng.
Sở GTVT Quảng Nam đã ban hành bộ 100 câu hỏi dùng cho thi sát hạch để cấp giấy phép lái xe (GPLX) mô tô hai bánh hạng A1 dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh.
1. Những thông tin liên quan đến 100 câu hỏi sát hạch lái xe dành cho đồng bào dân tộc thiểu số
Tổ chức thi sát hạch lái xe máy cho đồng bào dân tộc thiểu số
Bộ câu hỏi này có 100 câu bao gồm 48 câu hỏi liên quan đến khái niệm và quy tắc giao thông đường bộ (trong đó có 10 câu về các tình huống mất an toàn khi tham gia giao thông); 4 câu hỏi liên quan đến văn hóa giao thông và đạo đức người lái xe; 24 câu hỏi về hệ thống các biển báo hiệu đường bộ; 24 câu hỏi giải các sa hình và các kỹ năng xử lý tình huống giao thông.
Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT sẽ căn cứ bộ 100 câu hỏi dùng cho thi sát hạch, biên soạn bộ đề, đáp án để thi sát hạch lý thuyết và hướng dẫn sử dụng bộ 100 câu hỏi dùng để cấp GPLX.
Việc biên soạn này giúp bà con có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức. Bên cạnh đó còn giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của người đồng bào dân tộc thiểu số khi tham gia giao thông đường bộ.
Các cơ sở đào tạo có nhu cầu biên soạn chương trình đào tạo, giáo trình giảng dạy lái xe trên cơ sở giáo trình đào tạo lái xe mô tô hai bánh hạng A1 sẽ được Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành, trình Sở GTVT xem xét và phê duyệt.
Trước đó, vào ngày 22/4/2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định ban hành các quy định về đào tạo, sát hạch để cấp GPLX mô tô hai bánh hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, biết viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh. Giúp cho việc tổ chức đào tạo, thi sát hạch trở nên hiệu quả hơn.
Quy định này không áp dụng đối với công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX mô tô hai bánh hạng A1 của ngành công an, quân đội đang làm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
2. Nội dung giáo án đào tạo dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số
Giáo án đào tạo lái xe được biên soạn riêng. Nội dung giáo án tập trung chủ yếu vào hệ thống các biển báo hiệu đường bộ, điều kiện để tham gia giao thông đường bộ, các quy tắc khi tham gia giao thông, các hành vi bị nghiêm cấm, những tình huống mất an toàn giao thông nghiêm trọng, ý thức đạo đức của người tham gia giao thông và điều kiện đường xá, địa hình của tỉnh để phù hợp trình độ của đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt.
Tổ chức đào tạo giấy phép lái xe hạng A1 cho đồng bào dân tộc
Sử dụng những phương pháp giảng dạy trực quan, chủ yếu giảng dạy bằng hình ảnh, động tác mẫu, chỉ dẫn, hỏi đáp và tương tác trực tiếp. Tập trung giảng dạy các kỹ năng lái xe trong hình thi liên hoàn và giảng viên phải thực hành mẫu trực tiếp.
Khi đào tạo, giảng dạy yêu cầu giảng viên phải có đầy đủ hình ảnh mẫu về những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên cần lấy nhiều ví dụ cụ thể sinh động để học viên dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu...
Ngoài yêu cầu nội dung lý thuyết, cần phải nhấn mạnh thêm về tốc độ chạy xe trên đường, đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông đường bộ, không được sử dụng rượu, bia hoặc các chất có cồn trước khi điều khiển phương tiện, đi đường đèo dốc, tránh vượt, chuyển hướng đúng quy tắc đường bộ, đi đúng làn đường, phần đường quy định dành cho người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
3. Những yêu cầu khi học và thi sát hạch lấy giấy phép lái xe dành cho đồng bào dân tộc thiểu số
Người học nội dung này phải là công dân Việt Nam, thuộc đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt, có nhu cầu học, thi sát hạch lấy GPLX mô tô hai bánh hạng A1; được xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt (giấy xác nhận có giá trị 1 năm kể từ ngày ký xác nhận) cá nhân điểm chỉ vào giấy xác nhận; từ đủ 18 tuổi (tính đến ngày dự sát hạch lái xe), đảm bảo sức khỏe điều khiển mô tô hai bánh hạng A1 theo quy định.
Để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ thi sát hạch, được cấp và điều khiển xe mô tô theo quy định, trong những năm qua Bộ GTVT đã xây dựng những văn bản quy phạm pháp luật đối với một số trường hợp đặc thù. Trong đó bao gồm cả trường hợp đồng bào thiểu số không biết đọc, biết viết chữ tiếng Việt.
NGUỒN: GIAO THÔNG